Đồng Tháp: Trăm năm làng chiếu miền Tây, ở đây dân phải sáng tạo mới mong giữ nghề

Posted by

Trải qua hơn 100, những người thợ của làng chiếu 100 năm ở xã Định Yên và xã Định An (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) vẫn miệt mài với công việc. Ngoài duy trì cuộc sống, đó còn là hành trình lưu giữ nét đẹp văn hóa địa phương.

Làng chiếu trăm năm ở miền Tây

Ở vùng sông nước miền Tây, khi nhắc đến vùng dệt chiếu lớn thì nhiều người nghĩ ngay đến làng chiếu Định Yên nức tiếng gần xa. Làng chiếu Định Yên nằm ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Nghề dệt chiếu ở đây được lưu truyền theo kiểu “cha truyền con nối”. Trải qua nhiều biến động, ngày nay làng chiếu trăm năm ở miền Tây vẫn tồn tại và phát triển.

Chiếu được dệt bằng những sợi lác được chế biến xử lý qua nhiều công đoạn. Đến làng chiếu Định Yên, du khách sẽ thấy những sợi lác màu sắc sặc sỡ phơi dưới đất và cả treo khắp đường đi. Tiếng khung dệt trong mỗi căn nhà từ đầu thôn đến cuối xóm vui tai, ấm áp… 

Năm 2013, nghề dệt chiếu thủ công truyền thống ở xã Định Yên và Định An đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 

Những sợi lác đầy màu sắc được phơi dưới nắng trên đường ở làng chiếu trăm năm ở miền Tây. Ảnh: Mai Anh.
Lác trước khi phơi phải được nhuộm kỹ càng. Ảnh: Mai Anh.

Trải qua bao thăng trầm và sự thay đổi của cuộc sống, có những lúc tưởng chừng làng nghề dệt chiếu chỉ còn là hoài niệm. Thế nhưng câu chuyện về sự đổi mới và sáng tạo của những người thợ ở Định Yên đã tạo nên sức sống mới cho một sản phẩm truyền thống hơn 100 năm tuổi.

Chiếu ở Định Yên ngày xưa được dệt thủ công bằng tay, nhưng ngày nay hầu hết đã được dệt bằng máy, nhanh và đa dạng hơn về hoa văn, màu sắc. 

Theo người dân địa phương, mặc dù nghề chiếu hình thành hàng trăm năm nay, tuy nhiên không ai biết ông tổ của nghề là ai. Vào ngày 27, 28 tháng Chạp âm lịch hàng năm, các khung dệt chiếu được bà con thu dọn gọn gàng, lau chùi sạch, nghỉ ăn Tết; đến khoảng mùng 7, mùng 8 tháng Giêng thì các hộ cúng ra nghề, tiếp tục sản xuất.

Gia đình bà Đặng Thị Thảo vẫn miệt mài giữ nghề dệt chiếu. Ảnh: Mai Anh.

Theo những người thợ lành nghề, dệt chiếu đòi hỏi sự điêu luyện, tinh xảo và những bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm chiếu bền, đẹp. Để hoàn thành một chiếc chiếu với hình ảnh, màu sắc sắc sảo và ít phai, phải trải qua nhiều công đoạn. 

Trước tiên người thợ sẽ chọn sợi lát về nhuộm phẩm với đủ loại màu xanh, đỏ, tím, vàng… Để màu nhuộm chính xác, khó phai thì phải nấu phẩm màu lên, nhúng từng chùm lát nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2-3 lần. Lát nhuộm xong phải phơi cho đủ nắng, không quá gắt vì dễ giòn gãy, cũng không quá dịu vì dễ ẩm mốc.

Thợ của làng chiều trăm năm ở miền Tây sáng tạo để tồn tại

Với kỹ năng khéo léo và tâm huyết với nghề, hàng năm hộ dân nơi đây đã sản xuất ra những chiếc chiếu đầy tính nghệ thuật. Chiếu Định Yên có 3 loại chiếu chủ yếu là: Con cờ, Trà niên (chiếu bông) và Ốc trớn, mỗi chiếc chiếu được bỏ mối cho thương lái với giá dao động từ 60.000-70.000 đồng. 

Sở dĩ có được sự tin tưởng có khách hàng gần xa là vì chiếu Định Yên nổi tiếng với độ dày, mềm, thoáng mát, bền chặt. Hiện nay, ngoài cung ứng cho thị trường trong nước, chiếu Định Yên còn được xuất khẩu sang một số nước Đông Nam Á.

Bà Đặng Thị Lanh, mong muốn lớp trẻ sẽ tiếp nối giữ gìn nghề truyền thống. Ảnh: Mai Anh.

Gặp người thợ dệt chiếu Đặng Thị Thảo, đời thứ 3 nối nghiệp dệt chiếu của gia đình, chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê của chị. Ngày ngày chị vẫn miệt mài bên khung dệt để làm nên những tấm chiếu đẹp mắt.

Bà Thảo kể, từ nhỏ, bà đã thấy ông bà, cha mẹ cần mẫn bên khung dệt, rồi cái nghề ấy theo bà đến tận bây giờ. Mới hơn 50 năm tuổi đời nhưng bà đã có gần 40 năm tuổi nghề. Làm chiếu đối với bà giờ đây không chỉ là một cái nghề mà còn là nghiệp. Vì thế, dù cho đa số các hộ trong nghề đã trang bị máy dệt, năng suất cao hơn rất nhiều, nhưng bà vẫn gắn bó với khung dệt bằng tay truyền thống.

Bà Thảo chia sẻ: “Khung dệt này làm cực hơn, tốn lao động hơn, tôi dệt, mẹ thì chùi, làm bằng tay này phải 2 người thì mới làm được. Còn chiếu dệt bằng máy người ta làm chỉ cần một người mà năng suất cao hơn”.

Máy móc sẽ giúp cho việc dệt chiếu có năng suất cao hơn. Ảnh: Mai Anh.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Lanh, người có nhiều năm gắn bó với nghề dệt chiếu truyền thống, bộc bạch: “Nghề dệt chiếu ở đây vẫn luôn là niềm tự hào của người dân. Dệt chiếu dần trở thành một nét đẹp văn hóa. Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, tôi mong rằng lớp trẻ sẽ tiếp tục giữ nghề, với những sáng tạo riêng để tồn tại lâu dài”.

Ngày nay, với những loại máy dệt hiện đại, chỉ cần 1 người để xỏ lát là đủ. Năng suất từ đó cũng tăng từ 5-7 lần. 

Mặc dù đã được sự hỗ trợ từ máy móc, nhưng để hoàn thành được một chiếc chiếu, một số công đoạn vẫn phải cần tỉ mỉ và sự khéo tay của những nghệ nhân, mà không một loại máy móc nào có thể thay thế được. Điều đó làm nên nét đặc biệt của sản phẩm truyền thống này.

Bà Võ Thị Phương, một người thợ sử dụng máy móc vào việc dệt chiếu, cho biết: “Máy dệt ra đời khoảng mười mấy năm nay, tôi sử dụng để dệt khoảng 5-6 năm. Hồi trước 2 người làm cả ngày chỉ có 2 đôi chiếu, còn bây giờ có máy, tôi vừa tự làm cho gia đình vừa làm thuê, nhờ vậy kiếm được nhiều tiền hơn. Có máy móc giúp cho cuộc sống của mấy chị em theo nghề ở đây ổn định hơn, từ đó cái nghề truyền thống cũng được gìn giữ”.

Bà Võ Thị Phương, một người thợ sử dụng máy móc vào việc dệt chiếu, cho biết, có máy móc giúp cho cuộc sống của mấy chị em theo nghề ở đây ổn định hơn, từ đó cái nghề truyền thống cũng được gìn giữ. Ảnh: Mai Anh.

Làng chiếu Định Yên mang trong mình nét tự hào về một làng nghề cổ của vùng đất Nam Bộ. Ngày nay, làng chiếu Định Yên còn khoảng 700 máy dệt, 60 máy may viền, phân bố rải rác trong 430 hộ dân. Hộ ít nhất có một máy dệt, hộ nhiều nhất lên đến 10 máy.

Có thể nói, chính lòng yêu nghề và sự quyết tâm bám trụ với cái nghề cha ông truyền lại, những nghệ nhân nơi đây đã không ngừng lưu giữ, đổi mới và sáng tạo. Vì thế, dù ở bất kỳ công đoạn nào, những người thợ luôn chú trọng đến sự tỉ mỉ ở những chi tiết nhỏ nhất để dệt nên một chiếc chiếu đẹp.

Manh chiếu, đôi chiếu từ xưa đã gắn bó với đời sống người Việt như một nét đẹp văn hóa. Bởi nó đã trở thành biểu tượng cho tình cảm gia đình, các hoạt động cộng đồng không thể thiếu hình ảnh chiếc chiếu hoa. 

Với người dân Định Yên, dệt chiếu giờ đây không còn đơn thuần là miếng cơm manh áo, là kế sinh nhai của từng gia đình, mà đó là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và kết nối.

Nguồn https://danviet.vn/dong-thap-tram-nam-lang-chieu-mien-tay-o-day-dan-phai-sang-tao-moi-mong-giu-nghe-20210818232919406.htm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x