Cà Mau là nơi được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng. Chính điều này sản sinh ra nhiều đặc sản dân dã nức tiếng, làm say đắm du khách gần xa.
Cà Mau, vùng đất cực Nam của tổ quốc nổi tiếng là nơi được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng. Vùng đất xa xôi này là “xứ sở” của những món đặc sản hấp dẫn, làm say đắm du khách thập phương khi đến nơi đây, nhất là các món đặc sản dân dã.
Cà Mau là tỉnh ven biển, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Bên cạnh đó, Cà Mau còn có diện tích khá lớn rừng tràm ở hệ sinh thái ngọt và rừng ngập mặn. Đây là điều kiện sống lý tưởng của nhiều loại động thực vật nước mặn, nước ngọt và nước lợ.
Chính những yếu tố đó giúp Cà Mau nổi danh là tỉnh có rất nhiều đặc sản. Trong số đó, không thể không kể đến các đặc sản dân dã như: Cua biển, bồn bồn, mật ong rừng, lẩu mắm U Minh,…
Chính các món đặc sản dân dã này đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách gần xa. Các món ăn, đặc sản tuy giản dị, bình dân nhưng lại thể hiện sự sáng tạo tuyệt với trong cách chế biến. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sản vật sẵn có và tinh hoa ẩm thực vùng sông nước tạo nên nét đặc trưng riêng.
Hãy cùng Dân Việt điểm qua những đặc sản dân dã nức tiếng gần xa của Cà Mau:
1.Đặc sản dân dã: Cua Cà Mau
Từ lâu cua Cà Mau không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu. Cua Cà Mau được đánh giá là cua ngon nhất trong cả nước vì hàm lượng protein cao, dồi dào về khoáng chất và vitamin rất bổ dưỡng. Và cua Năm Căn (huyện Năm Căn, Cà Mau) được mệnh danh là ngon nhất.
Với điều kiện tự nhiên và độ mặn trong nước phù hợp đã khiến thịt cua Cà Mau rất khác biệt. Thịt cua Cà Mau chắc, thơm và ngọt; còn gạch cua thì béo ngậy không chê vào đâu được. Cua Cà Mau cũng là món đặc sản dân dã được nhiều du khách lựa chọn làm quà tặng.
2. Đặc sản dân dã: Lẩu mắm U Minh
Lẩu mắm vốn dĩ là một đặc sản của khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên lẩu mắm U Minh thật sự rất đặc biệt. Nó là cả một kho tàng đặc sản có sự kết hợp tài hoa điêu nghệ của bàn tay ẩm thực gia. Bởi chỉ cần đếm sơ nguyên vật liệu làm nên nồi lẩu mắm U Minh đã vượt trên 10 con số. Nào mắm cá sặc, cá lóc, lươn, tôm, đến các món rau dân dã như bông súng, cù nèo, rau nhút, rau dừa,…
Qua bàn tay khéo léo của những đầu bếp miệt vườn, nồi lẩu mắm U Minh sẽ trở nên đặc biệt với nồi nước lèo rất đặc trưng. Nguyên liệu để nấu nước lèo, nhất định không thể thiếu mắm cá sặc và nước dừa.
Chính sự cầu kỳ nhưng cũng rất biết tận dụng các nguyên liệu dân dã, đã làm nên sự hấp dẫn của món lẩu mắm U Minh. Mới đây, lẩu mắm U Minh cũng lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 – 2021).
3. Đặc sản dân dã: Cá lóc nướng trui
Đây là một món ăn dân dã, dễ làm và rất đặc trưng cho miền sông nước. Món cá lóc nướng trui là đặc sản du khách nên thử khi đến Cà Mau.
Cá khi vừa bắt dưới đìa lên đem rửa sạch, rồi dùng que tre xuyên qua cá theo hướng từ đầu đến đuôi rồi vùi cá vào đống rơm khô, châm lửa đốt lửa cho đến khi tro tàn. Đặc điểm của món cá lóc nướng trui dân dã là cá không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị. Khi cá chín, cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém để lộ ra thịt cá trắng và thơm.
Thông thường, sau những buổi tát đìa, chụp đìa, một nhóm người sẽ cùng nhau quây quần bắt cá lóc nướng trui. Và sau đó là thưởng thức thành quả ngay tại chỗ, không cần đem vào nhà. Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm với muối ớt chanh, hoặc nước mắm chua ngọt, nước mắm me. Cách chế biến đơn giản khiến món đặc sản dân dã trở nên đặc biệt.
4. Đặc sản dân dã: Mật ong rừng và nhộng ong
Tại khu vực rừng tràm của Cà Mau, hàng năm, vào đầu tháng 10 âm lịch hoa tràm ở rừng U Minh lại bắt đầu nở rộ. Đây cũng là thời điểm các tập đoàn gác kèo ong tất bật ăn ong (thu mật). Từ nghề gác kèo ong, tỉnh Cà Mau có được đặc sản mật ong rừng U Minh thượng hạng. Mật ong U Minh đã nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng khó nơi nào sánh được.
Ngoài mật ong, các thợ gác kèo còn lấy một phần ong non (nhộng ong) để chế biến món ăn.
Và gỏi nhộng ong từng được ví là món ăn ngon “đệ nhất”. Nhộng ong ở vùng đất U Minh có rất nhiều và có vị bùi, béo ngậy. Nhộng ong sạch nơi đây có thể chế biến nhiều món ăn ngon. Trong đó, món gỏi nhộng ong có thể được du khách ưa chuộng nhất vì nó có sự kết hợp giữa nhộng ong và các loại rau ở nơi đây.
Nhộng ong sau khi đem về được nhúng vào nước sôi, lọc lấy nhộng ong sạch. Sau đó có thể chế biến hàng chục món ăn ngon như cháo nhộng ong, nhộng ong xào, nhộng ong trộn gỏi.
5. Đặc sản dân dã: Bồn bồn
Bồn bồn còn được gọi là cỏ nến, trước kia được xem là loài cỏ dại phổ biến ở miền Tây. Bồn bồn có hình dạng gần giống cây lúa, mọc ở những vùng đồng trũng nhiễm phèn. Bồn bồn có khả năng chịu mặn cao, vì thế sinh trưởng rất tốt ở nhiều nơi. Sau này, người dân phát hiện bồn bồn có khả năng chế biến được thành nhiều món ăn ngon, từ đó, bồn bồn bắt đầu được ưa chuộng.
Tại Cà Mau, những năm gần đây cây bồn bồn dần trở thành đặc sản. Ngày càng có nhiều người biết đến cây bồn bồn ở Cà Mau. Tại đây, cây bồn bồn có nhiều nhất ở huyện Cái Nước.
Bồn bồn rất dễ trồng, chỉ cần có nước là cây mọc tươi tốt, không cần tốn công sức chăm sóc hay phân bón. Khi cây bồn bồn đủ to và lá xanh tốt, người dân sẽ thu hoạch bằng cách tách những nhánh đủ độ lớn, để lại các nhánh nhỏ. Những nhánh lớn sẽ được bỏ lá, gốc, chỉ lấy phần lõi non. Các nhánh nhỏ sẽ tiếp tục lớn lên, từ 1-1,5 tháng sẽ tiếp tục được thu hoạch
Ngày nay, cây bồn bồn còn được chế biến thành dưa bồn bồn để trữ được lâu. Bên cạnh đó, cây bồn bồn tươi cũng được dùng như một loại rau ăn lẩu, hoặc xào với vọp, tôm.