An Giang: Nuôi gà rừng Bảy Núi “lỳ đòn”, bán 1 con gà trống giá 1,5 triệu đồng

Posted by

Gà rừng Bảy Núi được xem là một trong những động vật đặc trưng vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang. Do đặc tính sống hoang dã lại có tiếng gáy véo von, có thể bay như chim và đặc biệt rất “lỳ đòn” khi mang đá, đã trở thành thứ sản vật hiếm có nên người dân nơi đây xem là giống gà quý, rất được yêu thích.

Thế nhưng, giữa chuyện thích và nuôi được giống gà rừng Bảy Núi vẫn là cái khó mà không phải ai cũng có thể làm được.

Theo người dân địa phương, trước đây gà rừng xuất hiện nhiều trên vùng đồi núi các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang). 

Do bị săn bắt ráo riết nên gà rừng hiện chỉ còn ở vài nơi như núi Cấm, núi Dài, núi Bà Ðội Om… Người ta đổ xô săn lùng gà rừng về thuần hóa. 

Thế nhưng, không phải ai cũng nuôi gà rừng Bảy Núi thành công. Có người vào rừng may mắn hốt nguyên ổ gà về, nhưng thuần dưỡng thì gà rừng vẫn chẳng thể thành “gà nhà”.

Từ những câu chuyện rỉ tai của anh lái xe đưa rước khách lên núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang), chúng tôi nghe được mô hình thuần dưỡng, nhân nuôi gà rừng Bảy Núi có thể coi là độc nhất tại An Giang được phát triển thành công ngay dưới chân núi Cấm. 

Chủ nhân của mô hình là một thầy giáo trẻ tên Bùi Trọng Khang (34 tuổi), giáo viên dạy Hóa, đang công tác tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang).

Trại gà chỉ vỏn vẹn khoảng 30 m2 đất phía sau ngôi nhà cấp bốn của hai vợ chồng anh Khang. Anh cho biết: “Tôi là dân núi Cấm nên từ nhỏ đã mê gà rừng Bảy Núi. Một lần tình cờ tôi được mấy người bạn trên núi bẫy được hai gà mái, một gà trống đem cho. Lúc đầu, việc chăm sóc cũng khó do gà rừng hoang dã, không lại gần được, cho ăn không ăn. Thế là tôi dẫn dụ nó bằng cách thả thêm vài con gà tre nhà vào…”.

“Dần dà gà rừng Bảy Núi quen, chịu ăn chung với gà nhà rồi nuôi được luôn. Khi đã quen, anh tách riêng và cho gà lai ấp tự nhiên. Ðến nay, anh nuôi gà rừng cũng được năm năm rồi”, anh Khang chia sẻ thêm. Trong khuôn viên khoảng 30 m2 với 10 chuồng gà, khoảng sân cát để gà tìm bới và một lồng ấp đơn giản đã cho ra đời hàng nghìn chú gà rừng Bảy Núi quý giá.

Hiện, trại có 20 gà mái đang kỳ đẻ trứng và hàng chục chú gà trống đầy đủ những đặc trưng riêng biệt như mồng tích, chân nâu đen, tai trắng… Năm năm qua, hàng trăm chú gà rừng Bảy Núi quý hiếm đã được anh Khang chăm dưỡng, nhân giống, giới thiệu người dân xa gần biết đến.

Anh Khang kể: “Bà con ai thấy đẹp, mê thì mình chia lại, riết rồi người này đồn người kia đến mua thôi. Có thời điểm, số gà rừng trong chuồng lên đến hàng trăm con, gà mẹ đẻ đến 200 trứng một đợt. Nếu có mái ấp trứng đàng hoàng, tỷ lệ gà con sống có thể đạt tới 80%. Nếu nói về thu nhập từ gà rừng này tuy không nhiều nhưng cũng góp phần kha khá vào đồng lương giáo viên vẫn còn ít ỏi của hai vợ chồng”. Hiện gà trống rừng Bảy Núi được anh Khang bán với giá 1,5 triệu đồng/con.

Thu nhập bình quân từ mô hình bảo tồn, chăm sóc, nhân nuôi giống gà rừng quý hiếm Bảy Núi của thầy giáo trẻ Bùi Trọng Khang khoảng hơn 50 triệu đồng/năm.

Anh Khang cho hay: “Dẫu cũng có thu nhập, nhưng cái cốt vẫn là chuyện bảo tồn giống gà này khi nó đang bị bắt rất nhiều nên giờ còn rất ít trong tự nhiên. Cạnh đó, còn lý do khác khi bán gà rừng, mình chỉ bán gà trống dù có rất nhiều người nài nỉ mua bằng được gà mái rừng Bảy Núi của mình…”.

“Mình không bán gà mái không phải vì muốn độc quyền mà do đã có không ít người đang cố lai tạo gà mái rừng Bảy Núi nguyên chủng với các loại gà khác dẫn đến nguồn gien quý, đặc trưng của gà rừng Bảy Núi đang có nguy cơ mất đi. Nếu mất giống thuần chủng gà rừng Bảy Núi, không chỉ mình tiếc mà tất cả những ai yêu gà rừng Bảy Núi này cũng tiếc”, anh Khang bộc bạch.

Ngày nay, trong khi nhiều loài gia cầm, thú tự nhiên quý hiếm đang ngày một bị tận thu, tận diệt thì mô hình thuần dưỡng, chăm sóc, nhân nuôi, bảo tồn nguồn gien gà rừng Bảy Núi quý hiếm của thầy giáo Bùi Trọng Khang cần được nhân rộng.

Nguồn https://danviet.vn/an-giang-nuoi-ga-rung-bay-nui-ly-don-ban-1-con-ga-trong-gia-15-trieu-dong-20210903164223833.htm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x