Nuôi rắn ri voi trong bể xi măng là mô hình giúp thương binh 4/4 Dương Văn Siều, sinh năm 1956, ngụ ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) vượt qua những trở ngại của cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Bên mô hình nuôi rắn ri voi trong bể xi măng, ông Siều kể, ông tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam từ năm 1975- 1979.
Lúc ấy ông Dương Văn Siều chỉ mới 19 tuổi. Sau 2 năm, với vai trò du kích địa phương, ông đã bị thương do bơm, pháo của bọn Ponpot.
Ông Dương Văn Siều kể: “ Trong cuộc đời cách mạng,kỷ niệm mà tôi đáng nhớ nhất là tình đồng đội, đồng chí, đoàn kết bám chốt, bám đơn vị, quyết tâm đánh thắng địch mà không sợ nguy hiểm”.
Sau 5 năm chú trở về địa phương lập gia đình, với 2 bàn tay trắng, không có ruộng vườn, lại phải nuôi 5 người con nhỏ, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, ông bắt đầu tập tành nuôi lươn. Ban đầu ông xây được 1 bể nuôi khoảng 12m2. Khi thu hoạch lươn không có lợi nhuận. Vợ chồng ông chuyển sang đi cắt lúa mướn kiếm sống qua ngày và nuôi các con.
Cuộc sống bữa đói bữa no, vất vả nhưng với ý chí và nghị lực vươn lên, ông nhất định không từ bỏ niềm đam mê với nghề nuôi lươn.
Năm 1988 ông được Hội nông dân huyện An Phú (tỉnh An Giang) cho vay 20 triệu đồng. Ông Siều xây dựng 5 bể xi măng nuôi lươn.
Vào thời điểm đó, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi xung quanh, ông còn được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi do hội nông dân huyện tổ chức. Nhờ tính cần cù, ham học hỏi và đam mê chăn nuôi, ông Siều đã thành công. Hơn 1 năm sau đó, ông đã trả nợ vay trước thời hạn 2 tháng.
Cùng với phong trào nuôi lươn, chú thấy rắn ri voi đang phát triển và có thị trường tiêu thụ tốt hơn, chú đã chuyển sang nuôi rắn.
Với 8 bể xi măng và 4 mùng, ông nuôi hơn 2.000 con rắn ri voi, mỗi năm ông xuất đi hơn 1.000 con, trừ chi phí chú lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng.
Nói về kỹ thuật nuôi rắn ri voi, ông chia sẻ “Nuôi rắn ri voi không khó, bể phải cao khoảng 70cm – 80cm, cho vào đất bùn vào với độ dày 10cm – 20cm. Trong bồn thả dây lát để làm nơi cho rắn trú ngụ, sau đó đổ vào một lớp nước cao khoảng 20cm – 30cm rồi thả rắn vào nuôi. Khoảng 1 – 2 tuần thay nước một lần. Thức ăn của rắn chủ yếu là động vật tươi sống như: nòng nọc, ếch nhái, lươn con, trùng, các loại cá không vảy hoặc vảy nhỏ. Bình quân 3 – 4 kg thức ăn, rắn sẽ tăng trọng lượng 1 kg”.
Ông Siều cho biết thêm, khi nuôi rắn như thế này,nông dân có thể nuôi thêm lươn, cá sặc, cá trê trong bể, vừa tận dụng thức ăn thừa, bớt ô nhiễm, vừa làm thức ăn tại chỗ cho rắn.
Khi rắn ri voi nuôi được 6 tháng đến 1 năm tuổi, có thể thu hoạch. Rắn ri voi 6 tháng tuổi, đạt trọng lượng từ 500g/con trở lên. Nhờ nuôi rắn ri voi hiệu quả, hiện nay cuộc sống gia đình ông khá giả, nhà cửa khang trang, năm người con của chú đều đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định.
Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đầu ra. Hiện ông Siều vẫn còn khoảng còn 3.000 con rắn ri voi chưa bán được, ước tổng số tiền trên 700 triệu đồng. Ông mong cho tình hình dịch bệnh ổn định, xuất được số lượng rắn ri voi để tiếp tục ổn định cuộc sống.
Nói về ông Dương Văn Siều, ông Dương Văn Đực – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) nói: “Ông Dương Văn Siều là thành viên Hội Cựu chiến binh xã. Ông là người không ngại khó khăn, tìm tòi, học hỏi. Ông rất hòa đồng, nhiệt tình giúp đỡ anh em hội viên. Hiện nay đã có 10 anh em hội viên được ông Siều hướng dẫn mô hình nuôi rắn ri voi thành công, cải thiện cuộc sống gia đình. Ông là 1 tấm gương sáng mà chúng ta cần học hỏi”.
Với ý chí vượt khó vươn lên, tinh thần ham học hỏi, sáng tạo. ông Dương Văn Siều được Hội Nông dân xã Vĩnh Hội Đông tặng giấy khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; được Hội Cựu chiến binh huyện, xã tặng giấy khen Cựu chiến binh kinh doanh giỏi.
Năm 2016 ông được UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen thương binh vượt khó vươn lên. Đặc biệt, với mô hình nuôi rắn ri voi ông được địa phương nêu gương điển hình về mô hình chăn nuôi hiệu quả.
Nguồn: https://danviet.vn/an-giang-nuoi-ran-nhung-nhuc-trong-be-xi-mang-nhu-nuoi-luon-mong-xong-dich-de-con-ban-3000-con-to-bu-20210916173533796.htm