Nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, nhiều người dân xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) nuôi xen canh tôm, cua, vọp trên cùng diện tích, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Với diện tích đất sản xuất 2 ha, ngoài nuôi tôm, cua…, gia đình ông Trần Văn Thiệu, ấp Bùng Binh (xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) còn thả nuôi vọp vào cùng. Hình thức thâm canh này nhằm giảm bớt rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Thiệu kể: “Khoảng hơn 3 năm trước, ban đầu từ vài ký vọp là quà biếu của người bà con, tôi đem thả nuôi thử xen canh trên diện tích đất vuông. Thấy đạt hiệu quả nên đã đầu tư vốn tìm mua vọp giống ở tỉnh Kiên Giang về mở rộng diện tích và duy trì đến nay.
Vọp là loài có sức đề kháng tốt, phù hợp với đồng đất của địa phương, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ vọp ngày càng cao, nhiều khi không đủ cung cho khách đặt hàng”.
Theo ông Thiệu, mô hình nuôi vọp kết hợp rất phù hợp cho các hộ nuôi tôm – cua, chi phí đầu tư thấp, người nuôi chỉ tốn khoản tiền mua con giống.
Trong quá trình nuôi, không cần bổ sung thức ăn như các đối tượng nuôi khác, vọp chủ yếu ăn nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có như mùn bã, vi sinh vật, tảo đáy… Qua đó, giúp cải tạo được môi trường nước tốt, hạn chế dịch bệnh.
Vọp sau 6 tháng thả nuôi sẽ cho thu hoạch. Với 500 kg vọp giống, bình quân cho năng suất 1 tấn vọp thương phẩm (25-30 con/kg), tỷ lệ sống của vọp đạt từ 99-100%.
Với giá bán con vọp hiện nay từ 55.000-60.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông Thiệu lợi nhuận 50-55 triệu đồng. Nếu cộng các khoản thu nhập từ mô hình kết hợp, mỗi năm gia đình ông thu lãi 150 triệu đồng.
Từ kinh nghiệm nuôi tôm – cua kết hợp vọp, ông Thiệu chia sẻ: “Ðặc điểm của vọp phụ thuộc vào điều kiện độ mặn, thường thời điểm thích hợp để thả vọp bắt đầu từ tháng 4-8 (âm lịch), nếu yếu tố môi trường thuận lợi thì tỷ lệ sống cao, ít hao hụt và tốc độ sinh trưởng của vọp rất nhanh.
Ðặc biệt, để nuôi vọp hiệu quả, ngoài chọn con giống ở những cơ sở uy tín, tôi còn tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật để có kiến thức áp dụng mô hình”.
Với thành công này, ông Thiệu tận tình giới thiệu cho bà con trong xóm. Anh Nguyễn Vũ Công, ở ấp Rau Dừa B, chia sẻ: “Học hỏi ông Thiệu, tôi đã mua vọp giống về nuôi trên diện tích đất vuông. Vụ đầu này, sau hơn 3 tháng chăm sóc, vọp sinh trưởng và phát triển tốt, đang chờ đến ngày thu hoạch”.
Không chỉ là người tiên phong nuôi vọp ở địa phương, ông Thiệu ngoài cung cấp vọp thương phẩm cho thị trường, còn cung cấp vọp giống cho người nuôi trong tỉnh Cà Mau.
Ông Trịnh Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Mỹ, cho biết: “Hình thức nuôi ghép đa dạng vật nuôi trên cùng diện tích đã nâng cao hiệu quả và duy trì tính ổn định vùng nuôi. Nếu trước đây, chỉ riêng hộ ông Trần Văn Thiệu lựa chọn mô hình nuôi ghép vọp trong vuông thì hiện nay đã có hàng chục hộ đang theo hướng phát triển này. Ðây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, cùng địa phương xây dựng NTM”./.
Nguồn: https://danviet.vn/ca-mau-con-vop-la-con-gi-ma-dan-tha-nuoi-trong-vuong-cung-voi-tom-su-cua-bien-bat-ban-60000-dong-kg-20210918144646163.htm