Kết hợp việc nuôi cá quý hiếm trong lồng bè trên sông Hậu với làm du lịch cộng đồng, anh Bảy Bon (Lý Văn Bon) ở Cồn Sơn-TP Cần Thơ thu về từ 5 – 7 tỷ đồng/năm. Để có được kết quả này, tỷ phú “Robinson” đã phải trải qua thời gian dài với nhiều cực nhọc, gian nan, vất vả thậm chí thất bại…
Có duyên với nhiều loài cá quý hiếm miền Tây
Trong những ngày giữa tháng 9, phóng viên NTNN/Dân Việt có dịp đến tìm hiểu mô hình nuôi cá trong lồng bè của anh Lý Văn Bon (người dân địa phương thường gọi là Bảy Bon).
Tại đây, phóng viên được biết, anh Bảy Bon có đến 30 cái lồng bè nuôi cá thiết kế nằm cạnh với Cồn Sơn (khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, TP.Cần Thơ).
Anh Bảy Bon cho hay, hiện nay, anh đang nuôi hơn 10 loại cá, trong đó có nhiều loại quý hiếm của sông Mê Kông, đặc biệt là cá hồng vỹ, cá hô, cá trà sóc, cá bảo ngọc (cá mú nước ngọt), cá tra dầu, cá tra cờ, cá heo…
Riêng cá tra dầu anh Bảy Bon cũng có. Cá tra dầu chỉ có nhiều ở Campuchia, sinh sản ở vòng nước xoáy và chỉ con có trọng lượng 50 kg trở lên mới có trứng…
Được biết, đối với các loại cá quý hiếm, anh Bảy Bon nuôi với mục đích bảo tồn, đồng thời nghiên cứu phương pháp cho cá đẻ, rồi nhân giống.
Việc nghiên cứu này, khiến anh Bảy Bon gặp nhiều lần thất bại, tốn nhiều thời gian, chi phí nhưng vẫn không nản lòng, không ngừng tìm hiểu và khắc phục dần.
Ngoài các loại cá quý hiếm, anh Bảy Bon còn nuôi cá thác lác cườm trên lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP thay vì là nuôi trên ao như nhiều hộ dân khác ở vùng ĐBSCL.
Chưa dừng lại ở đó, anh còn nuôi được cá Koi bằng chính nguồn nước sông Hậu thay vì là nước đã qua xử lý. Anh Bảy Bon cho biết, cá Koi là cá rất khó nuôi, anh phải thí nghiệm nhiều lần mới thành công, ai thấy cũng phục và muốn học hỏi kinh nghiệm.
Để khỏi phải gặp cảnh “được mùa, mất giá”, anh Bảy Bon cho biết, đã dựng lên một cơ sở sản xuất chả cá thác lác, cá thác lác rút xương để phục vụ xuất khẩu.
Hằng năm, cá thác lác do anh Bảy Bon nuôi xuất bán từ 600 – 800 tấn. Ngoài thị trường Nhật, Úc (bán thông qua doanh nghiệp ở tỉnh Hậu Giang), sản phẩm cá thác lác của anh còn được tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau như siêu thị, cửa hàng bán lẻ, khách quen giới thiệu,…
Khi phóng viên hỏi, thời gian qua, dịch Covid-19 có tác động xấu gì lớn đến hoạt động sản xuất không, anh Bảy Bon chia sẻ, để phòng dịch bệnh, ở lồng bè, anh chỉ để 3 công nhân làm việc, ở cơ sở sản xuất cá thác lác còn 12 công nhân.
Hằng ngày, những công nhân này hỗ trợ anh bán cá cho một số nơi ở địa phương và tặng cá cho một số chốt kiểm soát dịch bệnh. Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, anh thuê đến hơn 30 công nhân.
“Robinson” có nhiều kỷ niệm vui buồn với sông Hậu
Anh Bảy Bon kể, anh sinh ra ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh thi đậu vào Trường Đại học Thủy sản Nha Trang. Sau khi ra trường, không được theo nghề yêu thích mà làm việc tại Cục Hải quan của tỉnh.
Trong thời gian làm việc, anh tình cờ quen được ông Philip Raden, con trai của cố Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, một tiến sĩ chuyên nghiên cứu về các loại cá và đã có thời gian làm việc tại Việt Nam trên 20 năm.
Cũng từ vị tiến sĩ này, anh Bảy Bon học được nhiều kinh nghiệm nuôi cá và cũng biết được không có nơi nào thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt như dòng sông Mê Kông.
Sau thời gian tìm hiểu cũng như được ông Philip Raden chỉ dẫn, anh Bảy Bon biết được ở Cồn Sơn là nơi lý tưởng để có thể làm bè nuôi cá (dòng nước trên sông Hậu chảy mạnh, không bị ô nhiễm giúp cá nuôi mau lớn, không bị bệnh.
Sông Hậu có nhiều loại cá sinh sống, máu nuôi cá trỗi dậy, từ đó anh Bảy Bon quyết định nghỉ việc ở Hải quan tỉnh Cà Mau về Cồn Sơn lập nghiệp.
“Năm 2000, tôi cùng vợ và con về sông Hậu này làm nơi lập nghiệp. Lúc này do vốn ít, kinh nghiệm không nhiều nên tôi chỉ làm 2 lồng bè, nuôi thử nghiệm cá điêu hồng. Do lúc này, cá điêu hồng dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, tốn ít chi phí và người dân ưa chuộng nên dễ mang lại lợi nhuận cao” – anh Bảy Bon nhớ lại.
Thời gian đầu nuôi cá điêu hồng gặp nhiều thuận lợi nên anh làm thêm 2 bè cá, nâng tổng số lên 4 bè. Một số tiền vay trước đó để đầu tư nuôi cá đã được trả hết.
Tuy nhiên, không may sau có tin đồn cá điều hồng bị nhiễm chất gây ung thư, tiêu thụ khó khăn. Ngoài ra, do không muốn phụ thuộc vào một loại cá nuôi, bản thân cũng thích nghiên cứu, muốn thử thách nên anh Bảy Bon chuyển sang nuôi cá thác thác cườm.
Anh Bảy Bon nói: “Thời điểm đó, cá thác lác cườm được người dân Hậu Giang nuôi trong ao nên số lượng không nhiều. Hơn nữa, loại thủy sản này có ưu điểm thịt dai, giòn, ngọt, rất thích hợp để làm chả và các món ăn “hạng sang” khác của người miền Tây nên tôi quyết định nuôi thử dưới dòng nước chảy sông Hậu và đã thành công. Cá thác lác của tôi sống trong môi trường tự nhiên nên cá không chỉ mau lớn mà còn rất ngon”.
Không chỉ có thuận lợi, việc kinh doanh của anh cũng gặp nhiều khó khăn nhưng đều vượt qua. “Tôi nhớ năm 2016, vì sự cố Fomorsa ở ngoài miền Trung, cá thác lác xuất khẩu sang Nhật, Úc bị hủy đơn hàng. Giá cá này trong nước lúc đó giảm mạnh, chỉ còn từ 17.000-20.000 đồng, thay vì từ 90.000 đồng như trước đó. Nhờ cá tôi ngon nên cố gắng bán được nhiều nơi trong nước, dần về sau cũng được thị trường nước ngoài chấp nhận, mua nhiều”- anh Bảy Bon kể lại.
Kết hợp làm du lịch cộng đồng với bà con Cồn Sơn
Năm 2016, anh Bảy Bon “biến” các lồng bè cá của mình thành một địa điểm du lịch. Nơi đây khác hẳn với các điểm du lịch cộng đồng khác ở TP.Cần Thơ và ĐBSCL do sản phẩm du lịch chính các loại cá độc lạ do anh nuôi cùng với vị trí lồng bè thoáng mát trên sông Hậu.
Nhờ các hộ dân đồng lòng, hợp sức và hỗ trợ lẫn nhau nên thời gian qua, du khách trong và ngoài nước đến tham quan rất nhiều. Trung bình mỗi ngày, khách đến tham quan Cồn Sơn từ 300- 500 người, riêng những ngày lễ lên đến 1.000 khách. Việc bán cá kết hợp với dịch vụ du lịch giúp anh thu về từ 5 – 7 tỷ đồng/năm.
Hơn 2 tháng qua, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hoạt động du lịch tạm ngừng nhưng anh Bảy Bon vẫn không nghỉ ngơi. Anh tập chung sửa chữa, trang trí lại bè cá sao cho “view” đẹp nhất có thể, thay thế mái tôn bằng mái lá tất cả các chòi cho khách nghỉ ngơi, trú nắng, mua các chậu hoa, cây kiểng về trồng.
Đồng thời, anh còn học thêm tiếng Anh để sau này dễ dàng giao tiếp, trao đổi với du khách. Vào ban đêm, anh Bảy Bon cùng với người dân họp trực tuyến trao đổi, nghiên cứu sản phẩm mới, tăng cường thêm các dịch vụ du lịch trong thời gian tới.
Mong muốn lớn nhất của anh Bảy Bon lúc này là hết dịch Covid-19 để có thể đón tiếp khách du lịch và sản xuất cá, đồng thời thực hiện thêm những dự tính trong tương lai.
Anh Bảy Bon đang định hướng cho đứa con trai theo nghề mình. Hiện người con trai này đang cùng anh quản lý bè cá, quản lý cơ sở sản xuất chả cá thác lác, cá thác lác rút xương và tổ chức du lịch.
Bà Trần Thị Thiên Thư- Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Cần Thơ cho biết, anh Bảy Bon là một nông dân tiêu biểu của thành phố với nhiều ý tưởng làm ăn nhạy bén, mới lạ đem lại thu nhập cao và tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương. Trước thành tích nổi bật, đóng góp trên, anh đã nhận được nhiều bằng khen từ UBND TP.Cần Thơ, Hội nghề cá Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ. Riêng trong năm 2021 này, anh Lý Văn Bon được Hội đồng Chung khảo Trung ương bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nhà nông của cả nước nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Nguồn https://danviet.vn/can-tho-ty-phu-robinson-nuoi-ca-quy-hiem-tren-song-hau-da-duoc-binh-chon-nong-dan-viet-nam-xuat-sac-2021-20210914170343652.htm