Chán làm thuê ở tỉnh Tiền Giang, trai làng tỉnh Đồng Tháp về đào ao nuôi thứ ốc đặc sản, bắt bán hàng tấn

Posted by

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chàng thanh niên 28 tuổi tên Nguyễn Văn Trí ở ấp An Thạnh, xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đã từ bỏ công việc làm thuê ở đất Mỹ Tho (Tiền Giang) và “bén duyên” với những con ốc bươu đen

Anh Nguyễn Văn Trí đã xây dựng thành công mô hình nuôi ốc bươu đen tại xã An Nhơn, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng.

Theo anh Trí, nuôi ốc bươu đen không quá khó, chỉ cần cung cấp đầy đủ thức ăn và trong quá trình chăm sóc chú ý đến chất lượng nguồn nước

Trí kể, năm 2019, bắt đầu từ 0,5kg trứng ốc mua ở Vĩnh Long. Vì chưa có kinh nghiệm trong kỹ thuật ấp giống nên lượng ốc con thu về chỉ đạt 40%. Sau thời gian ươn nuôi, Trí đã tự mày mò, tích lũy kinh nghiệm để thành công nuôi ốc bố mẹ lấy trứng và ấp trứng bán con giống. Kết quả trong vụ đầu, Trí đưa ra thị trường 4.000 con ốc giống, giá 400 đồng/con. Sau thời gian nuôi, “Trí ốc” (biệt danh của Trí) “lên tay”, ước trung bình mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 50 ngàn – 60 ngàn con giống, thu nhập 15 triệu – 25 triệu đồng.

Ngoài ra, tận dụng 5 ao vườn nhà và nguồn phụ phẩm trái cây tại địa phương như ổi, mít,… Trí quyết định thả nuôi ốc thương phẩm. Trí thông tin, mật độ nuôi khoảng 500 – 700 con/m2 là phù hợp đối với loại động vật này khi nuôi trên ao bùn. Mặt khác, trong quá trình nuôi cần phải tỉ mỉ trong khâu chăm sóc, chú ý quan sát, theo dõi ốc hàng ngày, đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn nước. Hiện tại, với tổng diện tích mặt nước khoảng 1.000m2, sau hơn 3 tháng thả nuôi, anh thu về khoảng 750kg ốc thương phẩm.

Là người tiên phong khởi nghiệp từ con ốc trên xã An Nhơn, nhưng Trí không giữ “độc quyền” và sẵn sàng cung ứng nguồn giống, đồng thời thu mua ốc thương phẩm tạo đầu ra cho người nuôi ốc tại địa phương. Thế là, “Tổ hợp tác nuôi ốc thương phẩm” trên địa bàn xã ra đời vào tháng 9/2020. Lúc đầu, tổ hợp tác chỉ có 4 thanh viên tham gia, đến nay đã có 24 người. Hiện tại, trung bình, mỗi ngày Trí thu mua từ các thành viên tổ hợp tác đều đặn hơn 100kg ốc thương phẩm để cung cấp cho thị trường lớn như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,…

Chị Nguyễn Thị Hồng Muội – Bí thư Huyện đoàn Châu Thành cho biết, đây là một trong những mô hình khởi nghiệp có hiệu quả trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Mặc dù với quy mô còn khiêm tốn nhưng đối với một địa phương thuần nông nghiệp như Châu Thành thì đây chính là cách để giúp thanh niên nông thôn có công ăn việc làm, từng bước xây dựng kinh tế cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x