Giá phân bón “tăng chóng mặt”, nông dân An Giang lo ngay ngáy, UBND tỉnh chỉ đạo ngay điều gì?

Posted by

Nhằm giảm nhu cầu sử dụng phân bón cũng như giảm áp lực về sản lượng lúa, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo ngành nông nghiệp giảm diện tích sản xuất vụ thu đông còn khoảng 110.000-120.000ha (những năm trước khoảng 170.000ha), tăng diện tích xả lũ để tái sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 hiệu quả hơn.

Trong canh tác lúa, phân bón chiếm chi phí khá lớn. Giá phân bón tăng sẽ kéo theo giá thành sản xuất tăng lên, nông dân lại thêm gánh nặng nỗi lo. 

Giảm tối đa chi phí đầu vào, khâu vận chuyển, trung gian để có giá phân bón thấp nhất đến tay nông dân là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Phân bón tăng giá do nhiều nguyên nhân

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, năm 2020, cả nước sử dụng 10,23 triệu tấn phân bón, gồm 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ. Với năng lực sản xuất cao gấp 3 lần nhu cầu, lượng phân là không thiếu.

Phân bón tăng giá khiến nông dân lo lắng…

Tuy nhiên, do chi phí đầu vào tăng mạnh, giá phân gần đây tăng “chóng mặt”. Theo các doanh nghiệp (DN), chi phí nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phân bón tăng rất cao, như: lưu huỳnh tăng 170%, axit sunphuric tăng 130-140%, amoniac tăng gấp 2 lần… so với đầu năm 2021.

Cùng với đó, DN còn chịu chi phí dịch vụ logictics, chi phí vận chuyển trong nước và thế giới tăng cao, nhất là cước tàu biển. Để duy trì sản xuất “3 tại chỗ”, DN phát sinh thêm chi phí tổ chức ăn, nghỉ, sinh hoạt, xét nghiệm COVID-19 cho công nhân.

Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, giá phân bón trên địa bàn tỉnh hiện nay đang ở mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Cụ thể, phân Ure Phú Mỹ hiện có giá 11.400 đồng/kg, tăng 67,6% so với đầu năm 2021; phân NPK Cò Pháp (20-20-15) giá 15.400 đồng/kg, tăng 20,3%; phân DAP (Trung Quốc) giá 14.600 đồng/kg, tăng 30,4% so đầu năm…

An Giang là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn (tổng diện tích xuống giống hàng năm khoảng 625.000ha), lượng phân bón tiêu thụ gần 350.000 tấn/năm, chiếm gần 5% tổng sản lượng phân bón toàn quốc. 

Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 15 DN phân phối, kinh doanh phân bón với quy mô lớn, khoảng 1.200 cửa hàng, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp có bán mặt hàng phân bón. Trong khi đó, các DN sản xuất – kinh doanh (SXKD) phân bón chủ lực đều tăng công suất cung ứng phân bón nên nguồn cung không thiếu, vấn đề là giá cao.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, qua tính toán của sở và Cục Thống kê tỉnh, vụ hè thu này, giá thành sản xuất lúa tại An Giang khoảng 4.200 đồng/kg, trong khi giá bán lúa tươi bình quân 5.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 19% (không đạt mức lợi nhuận tối thiểu 30% theo yêu cầu của Chính phủ).

Với giá phân tăng như hiện nay, dự kiến giá thành sản xuất lúa vụ thu đông tăng lên 5.000 đồng/kg, nếu nông dân vẫn gặp khó trong tiêu thụ như vụ hè thu này sẽ dễ thua lỗ. 

“Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân áp dụng nhiều kỹ thuật tiến bộ, tiết kiệm phân bón, tăng cường phân hữu cơ. Tuy nhiên, có những thành phần đa lượng cần cho cây lúa mà phân vô cơ mới có đủ, buộc nông dân vẫn phải sử dụng” – ông Thọ phân tích.

Kéo giảm tối đa

Trước tình hình giá phân bón tăng “nóng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các DN SXKD phân bón chủ lực, như: Tổng Công ty phân bón và hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ); Công ty Cổ phần (CP) phân bón dầu khí Cà Mau; Công ty CP phân bón Miền Nam; Công ty CP phân bón Bình Điền.

Tín hiệu tích cực là các DN sản xuất đều đang cố gắng cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, như: giảm chi phí truyền thông, xúc tiến thị trường, cải tiến dây chuyền sản xuất… Qua đó, đưa giá phân bón sản xuất trong nước thấp hơn giá phân bón nhập khẩu từ 100-700 đồng/kg. 

Các DN sản xuất đã làm việc với DN phân phối, kinh doanh cấp 1 ở An Giang, đảm bảo lượng hàng đầy đủ cung ứng nhu cầu sản xuất.

“UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tạo “luồng xanh” cho các phương tiện thủy vận chuyển phân bón thủy và đội ngũ tài công, nhân viên theo tàu, ghe, xem đây là mặt hàng thiết yếu cần ưu tiên. Các địa phương cần rà soát lại năng lực kho chứa của các đại lý phân phối, ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho con người tại các đại lý, phòng dịch chặt chẽ để không bị đứt gãy khâu phân phối” – đại diện một DN sản xuất phân bón đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư hoan nghênh nỗ lực tăng năng suất cung ứng, cắt giảm chi phí sản xuất. Để giảm chi phí đầu vào, UBND tỉnh An Giang cùng các tỉnh ĐBSCL sẽ thảo luận, kiến nghị Bộ Công thương đề xuất chính sách giảm thuế VAT, ưu đãi cho DN sản xuất phân bón. \

Nhằm tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá ở các đại lý phân phối, tỉnh An Giang đề nghị các DN SXKD phân bón cung cấp cụ thể danh sách đại lý cấp 1, giá niêm yết tại đại lý cấp 1 (cộng gộp từ giá gốc nhà xuất, chi phí vận chuyển và hoa hồng). Từ đây, tỉnh sẽ hỗ trợ phương tiện thủy, bộ đưa thẳng phân bón xuống hợp tác xã để giảm tối đa khâu trung gian. Đồng thời, có cơ sở kiểm tra giá niêm yết, xử lý tình trạng tăng giá bất hợp lý (nếu có) ở hệ thống đại lý cấp 2, 3.

Để đáp ứng nhu cầu phân bón trong 20 ngày đầu của vụ thu đông với giá hợp lý nhất, UBND tỉnh An Giang phối hợp với từng DN SXKD phân bón chủ lực cùng xây dựng gói hỗ trợ cung ứng đặc biệt, cấp thiết trước mắt khoảng 25.000 tấn phân Ure, 20.000 tấn phân DAP…

Nguồn: https://danviet.vn/gia-phan-bon-tang-chong-mat-nong-dan-an-giang-lo-ngay-ngay-ubnd-tinh-chi-dao-ngay-dieu-gi-20210825234933186.htm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x