Nuôi dúi hiện nay đang là một hướng đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên để mô hình này thành công cần phải nắm rõ kỹ thuật nuôi núi cũng như hiểu rõ được tập tính sinh trưởng của loài động vật này. Dúi được xếp vào loại đặc sản nhờ thịt ngon, mát và giàu đạm. Dúi rất dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro. Sau đây là một số kỹ thuật nuôi dúi sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chuồng nuôi dúi
– Địa điểm nuôi dúi lý tưởng là một khu thật yên tĩnh (điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình nuôi dúi sinh sản). Chuồng dúi nên tránh ánh sáng trực tiếp (trong tự nhiên ngày dúi ngủ trong hang, tối mới ra ngoài đi kiếm ăn).
– Chuồng nuôi sinh sản mỗi ô rộng khoảng 50cm, dài 0,8 – 1m, xây tường cao 70cm bên trong tô xi măng thật láng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Mỗi ô chuồng dùng cho một con.
Có thể sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi sinh sản, tuy nhiên người nuôi dúi cần phải nhận biết được khi nào con dúi cái mang thai và phải tách nó ra trước khi nó sinh sản, nếu không khi sinh sẽ bị con khác ăn con hoặc có thể dúi mẹ cũng ăn con.
– Xung quanh chuồng nên xây bờ bao, phòng khi con dúi xổng chuồng không thể thoát ra ngoài được, chiều cao bờ bao khoảng 50cm. Phải có mái che để dúi tránh bị nắng trực tiếp và nước mưa dính vào người. Nếu ở miền Bắc, mùa đông có thể dùng miếng vải hoặc rèm che chuồng để giữ ấm cho dúi.
Kiểm tra dúi cái động dục
Đặc điểm sinh học của dúi: dúi có tuổi đời trung bình khoảng 6 năm. Số lần đẻ trong năm khoảng 3-4 lần, 3-5con/lần đẻ.
– Từ lúc đẻ ra đến khi dúi cái động dục lần đầu là 6 tháng (dúi cái thường mang thai trong vòng 45 ngày). Nếu nuôi sinh sản trọng lượng khoảng 0,5 – 0,6 kg dúi đã đẻ được.
– Dúi cái động dục có biểu hiện ăn ít, sục sạo tìm đực, bộ phận sinh dục có màu hồng. Nếu bắt dúi cái bỏ sang ô dúi đực, dúi cái phát ra tiếng gọi đực đặc trưng.
– Dúi cái động dục thường chủ động tiến lên phía trước mặt dúi đực, lùi đít vào trước mặt dúi đực để được giao phối. Đây là đặc điểm dễ nhận biết nhất đối với người mới chăn nuôi dúi lần đầu.
Tiến hành ghép đôi
Chọn con đực thả vào chuồng cái và quan sát, nếu thấy hai con quấn quýt nhau thì để nguyên vậy, còn nếu thấy con đực và con cái gằm ghè nhau thì thay con khác.
Sau 2 ngày nếu thấy con cái có biểu hiện vú hơi căng, bộ phận sinh dục xe lại thì con cái đã được đực. Còn nếu chưa thì nên để con cái và con đực ở với nhau trong vòng một tuần nữa.
Chăm sóc dúi mang thai
Sau khi dúi cái được đực thì chú ý chế độ ăn phải đủ tre, mía và bổ sung thêm ngô hoặc khoai lang và củ sắn.
Để phòng bệnh cho dúi, chuồng trại phải đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Con dúi là động vật hoang dã mới được thuần hóa, sức đề kháng mạnh vì thế nên ít dịch bệnh. Tuy nhiên, bà con cũng không nên chủ quan một số bệnh vẫn có thể xảy ra như bệnh ngoài da, bệnh đường ruột.
Nếu dúi bị bệnh ngoài da: Bà con có thể dùng thuốc kháng sinh hoặc dúi tự liếm cũng có thể khỏi. Hàng tháng nên vệ sinh sát trùng, tẩy uế chuồng trại và xung quanh khu vực dúi sống.
Bệnh đường ruột: Thường do khẩu phần thức ăn cung cấp không đầy đủ thành phần và giá trị dinh dưỡng nên dúi có thể bị tiêu chảy. Trong trường hợp đó, ta có thể dùng thuốc điều trị tiêu chảy hoặc bổ sung thêm thức ăn, nước uống đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa… Để phòng bệnh tiêu chảy, không nên sử dụng các loại thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn phải phong phú và đa dạng./.
Nguồn tham khảo: https://baodantoc.vn/ky-thuat-nuoi-dui-sinh-san-1608197769721.htm