Long An: Nông dân giàu lên nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Posted by

Ứng dụng công nghệ là chìa khóa thúc đẩy, tăng cường liên kết chuỗi giá trị, tăng năng suất và tính bền vững môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh Long An không ngại đầu tư theo hướng này và đã đạt được những kết quả khá tốt.

Long An: Nông dân giàu lên nhờ ứng dụng công nghệ cao

Chỉ có gần 4 công đất trồng rau diếp cá ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), ông Tám Sẵn (Huỳnh Ngọc Hoàn, xã Phước Lâm, Cần Giuộc) đã có lời 1 tỷ đồng mỗi năm.

Ứng dụng công nghệ cao nâng cao thu nhập

Hôm chúng tôi đến trại rau của ông Tám Sẵn, thấy ông lui cui thu hoạch rau diếp cá. “Liên tục mấy hôm nay tôi phải thu hoạch rau diếp cho thương lái. Rau đang rất hút hàng”, ông Tám Sẵn thổ lộ. 

Hai năm trước, ông Tám Sẵn đầu tư hơn 100 triệu cho hệ thống tưới tự động và nhà lưới để trồng rau diếp cá. Theo ông, trồng rau diếp cá trong nhà lưới cây phát triển cao, lá to, tươi, non hơn trồng ngoài trời. Trước khi có hệ thống tưới tự động, vợ chồng ông thay nhau tưới tay cho rau mất rất nhiều thời gian thay vì một cái bấm bộ điều khiển như bây giờ.

Đoàn Bộ NNPTNT thăm cánh đồng lúa ƯDCNC ở Long An. (Ảnh: Trần Đáng)Quảng Cáo >

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lâm Đặng Trung Hậu cho biết, ngoài rau diếp cá, rau xà lách xoong cũng là cây chủ lực đem về tiền tỷ cho nông dân. Hiện, xã Phước Lâm có gần 250ha trồng rau ƯDCNC. Trong đó, diện tích rau diếp cá và xà lách xoong chiếm hơn 60ha.

Không chỉ có cây rau, hiện nay nông dân trồng lúa ở tỉnh Long An cũng đang tăng dần diện tích trồng lúa ƯDCNC.

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An (TTDVNN Long An) đã tổ chức buổi tổng kết mô hình “Chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn (VietGAP), ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa vụ Đông Xuân năm 2020 – 2021” của Hợp tác xã Hương Trang (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) với diện tích sản xuất 50ha lúa với 40 hộ tham gia.

Nhiều giải pháp kỹ thuật và công nghệ được triển khai ứng dụng trong mô hình này, gồm: Ứng dụng cơ giới trong khâu làm đất, gieo sạ bằng máy sạ hàng, phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái, bón phân bằng máy mang vai, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy chi phí sản xuất đã giảm hơn 1 triệu đồng/ha và tăng lợi nhuận hơn 3,5 triệu đồng/ha so với ruộng lúa ngoài mô hình.

Theo TTDVNN Long An, kết quả đạt được từ mô hình được nông dân đánh giá cao về những lợi ích mang lại từ việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Các tiến bộ kỹ thuật mới giúp giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận. 

Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những chương trình đột phá. Trong đó, mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện lên 71.300 ha. Trong đó, cây lúa là 60.200ha, thanh long 6.000ha, cây chanh 3.000ha, duy trì 2.000ha rau, con tôm 100ha và con bò thịt.

Trong đó, nông dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bón lót phân hữu cơ vi sinh nhằm cải thiện độ phì của đất, giảm lượng phân hóa học, giảm lượng thuốc BVTV, giảm lượng giống gieo sạ.

Mở rộng đối tượng 

Việc ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được ngành nông nghiệp tỉnh Long An đẩy mạnh thực hiện từ năm 2016 theo tinh thần Nghị quyết 08 về phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây là chương trình đột phá của tỉnh Long An trong 5 năm qua (2016 – 2020), nhằm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC phát triển toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao…

Ông Tám Sẵn (xã Phước Lâm, Cần Giuộc, Long An) thu hoạch rau diếp cá. (Ảnh: Trần Đáng)

Theo đó, chương trình này được thực hiện trên “3 cây, 1 con”. Cụ thể, đó là cây lúa, tập trung chủ yếu tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười; cây thanh long (huyện Châu Thành); cây rau (huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, TP Tân An) và con bò thịt (huyện Đức Hòa, Đức Huệ).

Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, qua 5 năm thực hiện chương trình đã đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể, đã có 22.320ha (kế hoạch 20.000ha) lúa ƯDCNC. Trong đó, 100% diện tích sử dụng lúa chất lượng cao, đạt chuẩn giống xác nhận, 370ha được chứng nhận VietGAP, 150ha sản xuất hướng hữu cơ. Toàn tỉnh có hơn 2.000ha rau ƯDCNC. Trong đó, hơn 600ha người dân tự nhân rộng. Năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn 2- 5 triệu đồng/1.000m2 so với trồng rau truyền thống.

Hiện, tỉnh Long An cũng có hơn 2.000ha thanh long ƯDCNC ở Châu Thành. Đồng thời, có 2 xã đang nhân rộng diện tích ngoài vùng quy hoạch hơn 150ha. Với con bò thịt, tỉnh Long An đã xây dựng được 2 xã điểm và 16 THT nuôi bò thịt công nghệ cao với hơn 4.000 con bò tại 2 vùng dự án là huyện Đức Hòa và Đức Huệ.

Sở NNPTNT tỉnh Long An đánh giá, các chỉ tiêu của chương trình đã cơ bản đạt được so với kế hoạch đề ra. Những nội dung nổi bật đạt được của chương trình đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn; các sản phẩm sản xuất an toàn ngày càng được thị trường đón nhận.

Theo danviet.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x