Hiện ra trước mắt tôi là những cái tổ lút nhút trên ngọn cây tràm, cùng với tiếng kêu rối rít của bầy dòng dọc. Ba hỏi còn nhớ không hồi đó ngoài vườn có hàng khuynh diệp, dòng dọc nhiều lắm, giờ chẳng biết tụi nó bỏ đi đâu biệt dạng?
Có những thứ đã gọi là ký ức. Nó đã nằm sâu trong ngóc ngách nào đó của tâm hồn mà chỉ khi có dịp khơi gợi lại ta mới thấy nhớ, mới thổn thức.
Sáng nay vô tình đang xem chương trình Nhịp sống đồng bằng của đài THVL1 nói về khu sinh thái Láng Sen ở Đồng Tháp Mười, nghe ba kêu “Hùng à, lên coi nè chim dòng dọc mấy chục năm rồi mới thấy lại!”.
Hiện ra trước mắt tôi là những cái tổ lút nhút trên ngọn cây tràm, cùng với tiếng kêu rối rít của bầy dòng dọc. Ba hỏi còn nhớ không hồi đó ngoài vườn có hàng khuynh diệp, dòng dọc nhiều lắm, giờ chẳng biết tụi nó bỏ đi đâu biệt dạng?
Ngày tôi còn nhỏ, nơi góc vườn nhà, sắn với khuynh diệp nhiều lắm, cây nào cây nấy phải một người ôm. Trên những ngọn cây chót vót đó lủng lẳng những cái ổ chim dòng dọc. Nhìn từ xa, giống như những cái cây đang sai chi chít quả.
Dòng dọc là loại chim nhỏ, có hình dáng tương tự như chim sẻ, bộ lông mượt mà, màu sắc hài hòa, đặc biệt là nhanh nhẹn, liếng thoắng và có tiếng kêu ríu rít, rộn ràng khiến trẻ con chúng tôi ngày đó mỗi lần nghe đến là lòng trở nên nôn nao, vui sướng lạ thường. Đặc biệt, chim dòng dọc thường sống thành đàn đông đúc. Khi làm tổ chúng chọn những nơi yên tĩnh và chung sống hòa bình bên nhau như “người hàng xóm”.
Chim dòng dọc trước kia xuất hiện rất nhiều ở các vùng nông thôn miền Nam nước ta. Chúng thường làm tổ phía dưới các tàu dừa, trên ngọn cây, nhất là những cây sao, hàng tràm. Ngoài ra, dòng dọc cũng thích làm tổ ở những nơi thấp như ngọn đế, sậy giữa đồng. Ngày nay, môi trường thiên nhiên không còn “cưu mang” cho loài chim bé nhỏ này nữa nên chúng đã lần lượt kéo nhau về rừng, những nơi hoang vắng hơn để tiếp tục làm tổ đẻ trứng, nối dõi giống dòng.
Trong các loài chim muông, có thể nói dòng dọc là một loài chim làm tổ khéo nhất, tỉ mỉ và hoàn mỹ chưa từng có. Chính vì vậy mà nhiều người đã phong tặng cho loài chim này là “bậc thầy kiến trúc”, một loài chim xây tổ tài hoa nhất. Nhìn tổ chim dòng dọc treo lủng lẳng trên những cành cây cao chót vót chẳng khác nào một công trình kiến trúc mà ngay cả con người cũng không ngờ tới. Dù tổ treo trên cao hay dưới thấp và dù cho mưa gió cỡ nào, tổ chim dòng dọc vẫn bám chắc trên cành, vững như một bức thành trì kiên cố.
Chim mái có một “căn nhà” riêng độc đáo, không những bảo đảm che nắng che mưa mà còn có giá trị thẩm mỹ tuyệt vời. Từ xa nhìn lên nó giống như một cái túi hình chuông, bụng phình ra, nối liền với một cái ống tròn giống như tay áo dài cỡ 30 – 50 cm, miệng trút xuống phía dưới, gọi là cửa ra vào. Chỗ phình ra là một cái túi để cho chim đẻ, ấp trứng và nuôi con một cách an toàn.
Tổ chim trống đơn sơ hơn, giống như một cái chuông úp ngược. Sau khi tìm được bạn tình rủ về chung sống, con mái “có bầu”, con trống mới bắt đầu xây một “tổ ấm” kiên cố hơn, có phòng đẻ, ấp trứng đàng hoàng xinh xắn hơn gấp trăm lần. Đó chính là tổ chim mái. Thế nhưng, chuyện của loài chim cũng thật lạ. Chúng đã bỏ bao công sức để xây những chiếc tổ cầu kỳ, hoành tráng, vậy mà khi đàn chim non vừa đủ lông đủ cánh thì cả bố mẹ và con cái đều bỏ nhà ra đi, bỏ lại căn nhà trống trải. Mùa sau lại có đàn chim khác bay đến xây tổ mới.
Cách đây chừng mấy chục năm, khi những trảng tranh, rặng tre còn ngút tầm mắt ở những vùng quê thì nhìn những chiếc tổ chim dòng dọc treo lơ lửng trên bầu trời xanh là một trong những trải nghiệm lý thú. Về sau, đạn bom của chiến tranh hủy hoại một phần màu xanh, thêm vào đó, môi trường sống đổi thay, tranh tre dần biến mất với công cuộc khai khẩn để lấy đất canh tác, dòng dọc không còn nơi làm tổ, vật liệu làm tổ cũng khan hiếm dần. Vì vậy chúng bắt đầu hành trình di trú vào những vùng đồi núi xa xôi hẻo lánh”.
Tuổi thơ của mỗi người vẫn gắn với từng miền quê xanh mướt, trù phú. Cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa, tôi luôn bị những tổ chim dòng dọc màu vàng rộm treo lơ lửng hấp dẫn.
Ngày đó, nhà tôi có vườn rộng mênh mông, bao bọc bởi những lũy tre làng ngút mắt. Cứ đến tầm tháng tư là mùa sinh sản của chim dòng dọc, những chiếc tổ xinh xinh bắt đầu xuất hiện trên những đọt tre.
Ba tôi kể, vào những năm khói lửa, nhà vẫn nằm trong vùng tạm chiếm. Một buổi trưa hè ông phát hiện ở bụi tre gần nhà có một tổ chim dòng dọc treo rất thấp, trong đó có một cặp dòng dọc con. Định bắt chim con về nuôi nhưng thấy chúng còn yếu nên ông quyết định để lại tổ chờ thêm mươi ngày cho chúng cứng cáp hơn. Nhưng ngay hôm sau, địch cho lính đi càn, trên trời thì máy bay cáng gáo bay như ong vò vẻ, khói lửa đạn bơm mù mịt nhà nội tôi bị thiêu rụi. Lúc quay về, việc đầu tiên ba nghĩ đến là đi tìm đôi dòng dọc con, nhưng khi đến nơi thì đôi chim đã chết khô. Tổ chim không cháy, nhưng đôi chim non đã chết vì ngạt khói bom. Hai sinh mệnh nhỏ nhoi đã mất. Với tuổi thơ của ông thì đó là một nỗi mất mát khó quên.
Hồi đó, cứ mỗi buổi nghỉ học ở nhà là tôi lại ra đứng ngóng cổ cò dòm lên ngọn cây chờ xem có cái tổ nào xấu số rớt xuống không, cái tổ của nó dùng để chơi chòi thì hay phải biết.
Mùa từng mùa trôi đi, một hôm lũ dòng dọc kéo đi đâu hết, tôi lại ra đứng dưới gốc cây khuynh diệp mà tiếc ngẫn tò te.
Không ai biết bầy chim dòng dọc bay về phương nào cho tới mùa lúa năm sau chúng lại rủ nhau về tíu tít, bận rộn đan những chiếc tổ mới bên cạnh những chiếc tổ cũ cái còn, cái mất vì tụi con nít. Loài chim dòng dọc không bao giờ sống trong tổ cũ mà phải xây chiếc tổ mới và cũng chỉ trong chớp mắt trên những hàng tre lại lủng lẳng những tổ chim hình chiếc vớ và lại ríu rít tiếng chim non.
Hai mươi mấy năm rồi, cái gì đã trôi qua chắc không bao giờ trở lại. Có lẽ lát nữa tôi lại ra đứng nơi góc vườn năm cũ, lại ngóng cổ cò lên xem có còn thấp thoáng bóng dáng con dòng dọc ngày nào để mà nhớ lại chuyện xưa chăng?