Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Đỗ Thị Bay phấn khởi khi vườn sầu riêng ngày càng sai trái
“Nữ hoàng” sầu riêng trên vùng đất phèn
Với 300 gốc sầu riêng, bình quân mỗi năm, gia đình bà Đỗ Thị Bay, ngụ ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, thu về lợi nhuận gần 2 tỉ đồng, cao gấp chục lần so với trồng lúa. Chính sự thành công này, người dân nơi đây gọi bà Bay là “nữ hoàng” sầu riêng trên vùng đất phèn.
Cách đây 6 năm, bà Bay mạnh dạn chuyển từ 2ha đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng sầu riêng trước sự phản đối của nhiều người. Một số người cho rằng bà dư tiền, bởi cây sầu riêng khó sống được trên vùng đất phèn, đồng thời kỹ thuật trồng khó, không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, bà vẫn kiên trì với quyết định của mình.
Trước khi đầu tư trồng sầu riêng, bà bàn bạc với hai người con trai, bắt đầu lên kế hoạch chi tiết cho từng công đoạn, đồng thời đi tham quan, học hỏi các mô hình trồng sầu riêng ở tỉnh Bến Tre, Tiền Giang. Bà chấp nhận bán 3ha đất trồng lúa với 2,6 tỉ đồng để chuẩn bị kinh phí đầu tư trồng sầu riêng.
Bà Bay bộc bạch: “Xã Tân Lập là vùng đất phèn nên tôi thiết kế mô cao khoảng 5m, trồng cây cách cây 7m, đồng thời đào 12 con mương và 1 ao với tổng diện tích gần 3.000m2 để chứa nước ngọt tưới cây thay vì tưới nước trực tiếp từ sông. Để trồng sầu riêng đạt năng suất và chất lượng, ngoài việc đầu tư nhiều vốn còn phải có đam mê và nắm bắt kỹ thuật. Tôi tỉ mỉ chăm sóc từng cây sầu riêng chẳng khác nào “những đứa con”, chỉ cần cây có biểu hiện khác thường là nhận biết ngay để tìm cách chăm sóc cho chúng phát triển tốt hơn”.
Được biết, trung bình mỗi cây sầu riêng từ lúc trồng đến khi thu hoạch ít nhất là 5 năm và chi phí đầu tư hơn 6 triệu đồng/cây. Dù khó khăn, vất vả nhưng bà Bay vẫn giữ tinh thần “thép”, không một chút nao núng hay muốn bỏ cuộc. Ngược lại, bà lấy sự khó khăn làm động lực để khẳng định bản thân.
Bằng sự quyết tâm, đam mê và tinh thần không ngại gian khó, thất bại, bà Bay có nguồn thu nhập gần 2 tỉ đồng/năm từ vườn sầu riêng đang sai trái. Hiện nay, vườn sầu riêng của bà có 300 gốc giống Ri6 và Monthong trên 5 năm tuổi đang cho trái, được thương lái đến tận vườn thu mua. Chỉ cần thu hoạch 1 năm, gia đình bà Bay có thể thu hồi được vốn ban đầu và sẽ có lợi nhuận khi bước vào thu hoạch năm thứ 2.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh – Võ Văn Điền cho biết: “Hiện nay, xã có trên 50ha sầu riêng, chủ yếu tập trung ở ấp Bằng Lăng. Vùng đất này đều có đê bao, đất đai màu mỡ thích hợp cho trồng cây ăn trái như bưởi, sầu riêng, chanh,… Sau thời gian nhiều nông dân chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả đã bắt đầu thu về lợi nhuận, trong đó có vườn sầu riêng của bà Bay. Dự kiến, thời gian tới, xã Tân Lập sẽ được huyện đầu tư quy hoạch xây dựng khu du lịch miệt vườn, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là tạo điểm nhấn cho vùng đất Tân Thạnh”.
Với những hiệu quả kinh tế đem lại cho gia đình, người dân Tân Lập gọi bà Bay là “nữ hoàng” sầu riêng trên vùng đất phèn là xứng đáng, bởi không phải ai cũng mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm như bà.
Anh Trần Thanh Lo thu hoạch trái vú sữa hoàng kim
Vú sữa Hoàng Kim – cây trồng hứa hẹn tiềm năng phát triển
Sau gần 2 năm trồng và chăm sóc, vườn vú sữa hoàng kim của anh Trần Thanh Lo, ấp Kênh Tè, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, bắt đầu cho trái, bán với giá từ 100.000-150.000 đồng/kg. Chia sẻ về việc mạnh dạn đầu tư loại cây trồng mới này, anh Thanh Lo cho biết: “Qua tìm hiểu trên mạng xã hội và thông tin về các mô hình trồng cây ăn trái, tôi nhận thấy cây vú sữa hoàng kim phù hợp và có tiềm năng phát triển trên vùng đất Tân Thạnh. Nghĩ là làm, tôi đầu tư hệ thống tưới tự động, lên liếp hơn 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng vú sữa hoàng kim”.
Vú sữa hoàng kim từ lúc bắt đầu đậu trái đến khi thu hoạch khoảng 1 tháng, sản lượng từ 80-100kg/cây/năm. Một trong những điểm nổi bật của vú sữa hoàng kim là có thể cho trái quanh năm, ít tốn công chăm sóc và ít sâu, bệnh gây hại. Để trái đẹp, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, anh Thanh Lo chủ động áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo hướng an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ, dùng bao để bọc trái.
Hiện tại, ngoài bán trái vú sữa ra thị trường, anh Lo còn nhận cung cấp giống vú sữa hoàng kim ươm từ hạt cho nhà vườn trong và ngoài huyện; đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật cho người trồng.
Vú sữa hoàng kim tuy không phải là cây trồng mới ở Việt Nam nhưng lại là cây trồng mới hứa hẹn tiềm năng phát triển tại huyện Tân Thạnh./.
Minh Thư -Ngọc Diệu – Chí Tâm
Nguồn: https://baolongan.vn/nhung-nong-dan-dam-nghi-dam-lam-a112861.html
đồng hương cùng quê mình 🙂