Sóc Trăng: Nông dân đổi đời nhờ sản xuất nông nghiệp thông minh

Posted by

Nhiều nông dân ở Sóc Trăng đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp thông minh, mang lại thu nhập cao.

Theo Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, với nhiều giải pháp triển khai thiết thực, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong hội viên, nông dân tỉnh Sóc Trăng.

Đối với nông nghiệp thông minh, nông dân ứng dụng trong 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản trong vài năm gần đây ở đã tạo những bước khởi đầu tích cực. Trong lĩnh vực trồng trọt thể hiện rõ nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ tưới nhỏ giọt cũng như nỗ lực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là tăng cường liên kết, hỗ trợ từ nhiều nhà trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng nấm linh chi đỏ bằng công nghệ sinh học của hộ dân ở thị trấn Trần Đề. Ảnh: Trường Thạnh.

Điều đáng mừng là có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết với hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và nông hộ để phát triển công nghệ thông minh, mở rộng thị trường, góp phần tạo ra lợi thế mới thúc đẩy tăng trưởng chung trong toàn tỉnh.

Điển hình như hộ ông Cô Văn Nỉ, ngụ thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, phối hợp công ty Việt Úc đầu tư mô hình trồng nấm linh chi đỏ và nuôi cấy đông trùng hạ thảo bằng công nghệ sinh học. Nhờ áp dụng quy trình công nghệ 4.0 kết hợp các cảm biến điện tử giúp kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm và môi trường. Nhờ đó, cây nấm phát triển tốt, tiết kiệm công lao động, rút ngắn thời gian thu hoạch xuống còn 3 tháng đối với đông trùng hạ thảo và 5 tháng đối với nấm linh chi.

Theo ông Nỉ, sử dụng công nghệ sinh học giúp sản phẩm nấm linh chi đỏ và đông trùng hạ thảo làm ra không có dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, sản phẩm làm ra được bao tiêu toàn bộ với giá cao.

Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt trên vùng đất Cù Lao Dung, anh Trần Văn Phục, ngụ xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung đã cải tiến, ứng dụng hệ thống tưới đa năng cho vườn nhãn Ido phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương.

Nhờ cải tiến, ứng dụng hệ thống tưới đa năng cho vườn nhãn Ido, anh Phục tiết kiệm được chi phí, năng suất tăng. Ảnh: Trường Thạnh.

Bằng kiến thức và kinh nghiệm sản xuất lâu năm, anh Phục đã thực hiện ghép phôi nhãn Ido qua gốc nhãn tiêu da bò để thay thế và chuyển đổi giống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp hơn 50% so với trồng mới, thời gian thu hoạch cũng rút ngắn 18 tháng so với trồng mới.

Anh Phục cho biết: “Hệ thống tưới đa năng rất tiện lợi, tất cả các loại van điều khiển tưới nước đều là tự vận hành, từng ống tưới nước nhỏ được dẫn âm dưới rễ và nước tưới được phun rỉ ra qua những lỗ nhỏ trên thân ống. Hệ thống tưới này cung cấp nước tưới, phân bón, chất dinh dưỡng trực tiếp tới gốc cây, giúp rễ cây hấp thụ hiệu quả, không lãng phí nước và điều chỉnh được lượng nước tưới phù hợp tùy vào từng thời điểm cụ thể”.

Từ khi thực hiện mô hình này, anh Phục giảm hơn 70% công lao động, tiết kiệm hơn 50% lượng nước so với tưới thông thường, năng suất tăng 15 – 20%. Ngoài ra, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, phân bón đa năng và phun khói, đuổi côn trùng thay thế hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật, chi phí giảm được 50%.

Hiện tại anh Phục là giám đốc hợp tác xã nông nghiệp thông Minh có ký kết hợp đồng tiêu thụ nhãn Ido sang thị trường Châu Âu.

Việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng là những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp trước thách thức của biến đổi khí hậu.

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất của các cấp Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, phù hợp với mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Theo danviet.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x